Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Facebook thông minh




Cãi nhau với chồng, Linh ấm ức trải lòng trên facebook. Không ngờ, chuyện vợ chồng Linh trở thành tâm điểm bình luận của xã hội. Xung đột vợ chồng trở nên căng thẳng, Linh bị chồng đuổi ra khỏi nhà, đệ đơn ra tòa li hôn.

Đứng trước tòa với tư cách là bị đơn của vụ ly hôn, Nguyễn Thùy Linh (28 tuổi) cúi gằm mặt, đôi tay liên tục đưa lên gạt nước mắt.

Thỉnh thoảng, Linh rụt rè hướng đôi mắt đỏ hoe về phía người chồng. Lúc sáng, Linh rất bình thản gửi con trai cho ông bà ngoại, tuyên bố sẽ li hôn và giành quyền nuôi con. Nhưng khi đối diện với chồng tại tòa, Linh lại có cảm giác lo sợ.

Được hỏi về nguyên nhân muốn ly hôn, anh Quốc Việt (30 tuổi, chồng Linh) vẻ mặt đầy bức xúc: “Vợ chồng tôi sống không hợp nhau. Tôi không thể chịu đựng được người vợ suốt ngày đưa chuyện gia đình nói với thiên hạ. Tôi muốn được li hôn”.

Hướng đôi mắt về phía người vợ, vị chủ tọa lại hỏi câu tương tự. Như được trải lòng về sự ấm ức bấy lâu nay, Linh bắt đầu kể.

“Trong lúc cãi nhau, tôi bị chồng chửi bằng những lời thiếu văn hóa, còn bị đánh hai bạt tai. Cả buổi chiều hôm đó tôi chỉ biết trùm chăm ôm mặt khóc. Không biết chia sẻ nỗi buồn với ai, tôi đã đăng dòng status buồn về việc bị chồng đánh lên facebook. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, dòng tâm sự của tôi trên facebook nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm lời bình luận từ những người quen có, xa lạ có.

Hầu như tất cả những lời bình luận đều tỏ thái độ bức xúc, chê trách chồng và động viên tôi cố gắng. Thấy vậy, tôi như trút bỏ được nỗi ấm ức. Tôi còn nghĩ sau khi đọc được những lời bình luận khách quan này chồng tôi sẽ biết lỗi, quay về xin tôi tha thứ. Nào ngờ, anh lại hùng hổ, giật ngay chiếc điện thoại trên tay tôi ném vỡ toang. Anh bắt tôi xóa những dòng status kia và đăng lời đính chính rằng đó chỉ là chuyện tôi bịa đặt nhằm câu like nhưng tôi không chấp nhận”.

Người vợ này còn kể tiếp rằng: “Ngày hôm sau tôi đang đi làm thì chồng gọi về, hai vợ chồng lại cãi nhau. Anh ném hết đồ đạc của tôi ra ngoài sân, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi đành phải thuê nhà nghỉ ở.

Xung đột cứ thế kéo dài cả tuần rồi cũng đến tai cha mẹ chồng. Một cuộc họp gia đình diễn ra, ai cũng đè tôi chỉ trích. Bố chồng tôi quát “Hai đứa sống với nhau được thì sống cho ra trò, đừng có làm trò cười cho thiên hạ. Bố mẹ sống với nhau từng này tuổi rồi mà những lúc cãi nhau còn phải đóng kín cửa, sợ con cái, hàng xóm biết. Đằng này, chúng mày cãi nhau mà khoe cho cả thiên hạ biết, không còn mặt mũi nào. Cả ngày nay vì chuyện chúng mày mà bố không dám ló mặt ra ngoài”. Hai ngày sau đó, chồng tôi đưa đơn li hôn bảo tôi ký”.

Tòa lại hỏi nguyên đơn: “Chỉ có việc như vậy mà anh chị đồi đoạn tuyệt tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay sao?”.

Người chồng quay sang nhìn vợ, thất vọng nói: “Cuộc sống của tôi bị xáo trộn hoàn toàn vì những dòng status của vợ. Tôi và cô ấy làm cùng công ty, bạn bè trên face book của cô ấy đa phần là đồng nghiệp của hai vợ chồng. Từ ngày sự việc xảy ra, đi đến đâu tôi cũng nhìn thấy sự chỉ trỏ, bàn tán về chuyện gia đình tôi. Thậm chí sếp còn gọi tôi lên nói tôi làm mất mặt cánh đàn ông. Đó là chưa kể đến việc tôi bị người thân, bạn bè của vợ điện thoại chửi mắng. Bố mẹ tôi cũng vì vậy mà không dám ra ngoài nhìn mặt ai.

Tôi biết, việc mình đánh vợ là sai vì trong lúc nóng giận, tôi không kiềm chế được hành động. Nhưng tôi không ngờ sự việc lại đi quá xa như thế này. Đã nhiều lần thuyết phục vợ xóa status, đăng dòng đính chính nhưng vợ không chấp nhận. Tôi không thể tiếp tục sống với người phụ nữ ngang cường như vậy thêm được nữa”.

Linh phân trần: “Buồn, tôi chỉ muốn lên face book để giải tỏa tâm trạng. Những dòng status đó là cảm xúc thật của tôi. Tôi không ngờ sự việc lại đến nông nổi này. Anh thật tàn nhẫn, chỉ có lí do vậy mà đuổi tôi ra khỏi nhà, li hôn vợ”.

“Còn con cái? Chúng tôi có cậu con trai nhỏ 2 tuổi. Tôi sẽ nuôi, anh có trách nhiệm thì phụ cấp, không thì thôi, tôi chẳng cần”, Linh nói tiếp.




Vị chủ tọa hỏi câu cuối cùng “hai người còn yêunhau không” thì cả hai cúi đầu yên lặng.

Vị chủ tọa nói tiếp, đời sống hôn nhân, vợ chồng nào cũng không tránh khỏi xung đột. Nhưng có chuyện gì cũng nên nhẹ nhàng mà nói cho nhau hiểu, không được dùng đến bạo lực.

Chuyện gia đình mà đưa lên mạng xã hội, để xã hội bàn tán là không nên. Facebook giống như con dao hai lưỡi, là một “người bạn” không thủy chung. Nói xấu chồng trên facebook khác nào mình đang tự vạch áo cho người xem lưng.

Chỉ vì một chuyện như vậy mà đã đưa nhau ra tòa đoạn tuyệt tình cảm vợ chồng bấy lâu sao? Đừng vì những phút nóng giận nhất thời, ích kỷ cá nhân mà đánh mất gia đình của mình, đẩy con cái vào cảnh chia li. Nếu còn thương yêu nhau thì hãy rút lại đơn, cho nhau một cơ hội để sửa chữa. Nghe những lời vị chủ tọa nói, Linh ôm mặt khóc nức nở.

Đứng lặng một lúc, người chồng xin tòa được rút đơn rồi bước đến bên cạnh, nắm lấy tay vợ. Hai người lặng lẽ cùng bước ra khỏi khán phòng, để lại phía sau là tiếng lắc đầu của HĐXX.

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Đàn ông sau hôn nhân


Kiếp đàn ông, mệt lắm: Sau khi kết hôn, phụ nữ có thể dựa vào đàn ông, còn đàn ông chỉ có thể dựa vào chính mình


Đàn ông có nhiều đêm dài và bế tắc, chỉ biết hút thuốc suy nghĩ một mình. Cuộc sống có khó khăn thế nào thì đàn ông cũng phải tĩnh tâm rồi tự xử lý mọi việc. Đây là chuyện đàn ông cần làm, cũng bắt buộc phải làm.

- [1] -

Đàn ông, ai rồi cũng trải qua cảm giác này…

Đó là sự thay đổi. Hôn nhân sẽ biến những người đàn ông trở thành con người khác: sống có trách nhiệm hơn và thêm nhiều nỗi sợ hãi. Khi có vợ con chúng ta không còn thời gian cho những cuộc vui, bạn nhậu thời trẻ sẽ mất dần để lại đàn ông đối mặt với gánh nặng: phải kiếm tiền. Thật nhiều tiền.

Với tôi, cuộc sống sau hôn nhân trần trụi và nghiệt ngã như một cái máy sàng lọc có gắn động cơ chẳng bao giờ ngừng chạy, hoặc là nó đẩy chúng ta về phía trước đến một vị trí xa hơn hoặc là sẽ bị đào thải nếu không đạt tiêu chuẩn rồi dần dần đẩy xuống đáy như một phế phẩm.



Tôi không thể để mình biến mất như một phế phẩm được, phía sau còn có bố mẹ già và vợ con. Phải liên tục vận động, nếu dừng lại dù chỉ một tích tắc sẽ không có tiền, thiếu nó mọi thứ tốt đẹp sẽ biến mất! Tôi không muốn những người mình yêu thương phải khổ.

Vậy nên nhiều người sợ làm đàn ông vì áp lực "trụ cột gia đình"

Hôm trước cà phê cùng cậu bạn thân đại học, tôi nhận ra chẳng riêng mình thay đổi, hầu hết đàn ông đều sẽ thay đổi khi lập gia đình, bạn tôi cũng thế. Cậu ta không còn là gã trai hào sảng, phóng khoáng mặc sức làm những trò điên rồ như trước nữa, giờ thì đã biết tính toán và nhìn cuộc sống với con mắt thực tế hơn nhiều.

Cậu ta hỏi tại sao nhiều phụ nữ cứ thích làm đàn ông, cứ than thở rằng làm phụ nữ khổ lắm. Đàn ông biết phụ nữ khổ vì thế chúng tôi mới yêu thương họ nhiều như vậy. Nhưng làm người đã sống trên đời này thì đều khổ cả, ai có cái khổ của người đấy, đàn ông đâu có sống sung sướng cả đời, có ở trong hoàn cảnh của nhau mới biết mọi thứ chẳng bao giờ dễ dàng. Trách nhiệm "trụ cột gia đình" nếu làm tốt đàn ông được ca tụng như một hình mẫu lý tưởng, nếu làm chưa tốt đó sẽ là bản án vô hình dày vò chúng tôi. Nó kinh khủng lắm.



- [2] -

Đàn ông có mặc cảm khi không kiếm đủ tiền lo cho gia đình?

Đàn ông có đau khổ khi bị vợ so sánh mình với người đàn ông khác?

Đứng trước những biến cố, đàn ông có lo lắng, sợ hãi, hay rơi nước mắt?

Có đấy bạn ạ. Tạo hóa gửi đến đàn ông thiên chức của phái mạnh nhưng cũng không lấy đi của chúng tôi những yếu đuối vốn có của kiếp người. Đàn ông có nhiều đêm dài và bế tắc, chỉ biết hút thuốc suy nghĩ một mình. Cuộc sống có khó khăn thế nào thì đàn ông cũng phải tĩnh tâm rồi tự xử lý mọi việc. Đây là chuyện đàn ông cần làm, cũng bắt buộc phải làm.

Vì vợ con, đàn ông dồn hết tâm trí vào công việc, cuối ngày chẳng còn sức lực dành cho gia đình

Công danh, sự nghiệp vừa là món quà cũng vừa là hình phạt dành cho phái mạnh. Nó là mục tiêu phấn đấu, thước đo đánh giá và có lẽ cả đời đàn ông cũng không thể dứt khỏi được. Sự nghiệp chi phối người đàn ông, đẩy họ đến giới hạn của cuộc sống. Nếu ai nói đàn ông vì sĩ diện nên cố gắng kiếm tiền chỉ để tô vẽ danh dự cho mình nghĩa là họ chưa hiểu về đàn ông nhiều.

Lớn hơn cả lòng tự trọng, đàn ông không còn sống cho riêng mình nữa phía sau là cả bố mẹ, vợ con, gia đình. Nếu chỉ vì sĩ diện cá nhân, chúng tôi chẳng cần làm việc không màng đến bản thân mình như vậy, đàn ông yêu gia đình và chỉ có tình yêu mới là nguồn động lực để đàn ông phấn đấu.

Cả đời đàn ông lao lực làm việc nhưng trái ngọt nhận về chúng tôi dành hết cho gia đình nhỏ. Để có một sự nghiệp vững chắc, đàn ông có thể làm việc đến 16 tiếng một ngày, stress cực độ nhưng vẫn cố gắng cười nói với đồng nghiệp, tinh thần suy sụp nhưng vẫn niềm nở rút cạn nguồn năng lượng tích cực để gặp khách. Vì một vị trí vững chắc, họ sẽ có mặt ngay nếu sếp gọi kể cả lúc nửa đêm, ngày nghỉ bên gia đình chỉ cần khách hàng nhắn một tin liền lập tức xuất hiện.

Đàn ông không phải là cái máy nên cũng biết mệt mỏi.

Đàn ông cũng có nước mắt và cũng cần được thông cảm.

Ngoài ý chí, sức lực và lòng kiêu hãnh, đàn ông cũng yếu đuối và đừng ngạc nhiên, chúng tôi cũng có nước mắt. Sẽ không nhiều người nhìn thấy nó hoặc sẽ không bao giờ. Đàn ông sợ nước mắt phụ nữ nhưng càng sợ hơn nếu để phụ nữ thấy nước mắt của mình.

Đàn ông hạnh phúc nếu vợ mình biết san sẻ với trách nhiệm, biết động viên chồng đúng lúc. Chúng tôi xin lỗi vì đã có lúc đàn ông rất "xấu tính" ở nhà, cáu gắt, mệt mỏi. Hãy thông cảm vì nhà là nơi đàn ông được sống thật nhất, hơn thua cuộc sống ngoài kia đàn ông xin gác lại sau cánh cửa.

Cuối cùng tôi muốn gửi đến những người đàn ông đang xây dựng sự nghiệp, nếu cuộc sống của bạn đang tàn khốc như một cuộc chiến hãy tiếp tục chiến đấu nhưng đừng chấp nhận đánh đổi. Khoảnh khắc hạnh phúc bên cha mẹ, thời gian giành cho vợ, tuổi thơ của con và sức khỏe chính mình nữa – những thứ đó vô cùng quý giá lại qua đi rất nhanh, đừng đánh đổi nó chỉ để lấy tiền bạc.

Cuộc sống luôn có những cách tốt đẹp nếu chúng ta thực sự mong muốn và chủ động tìm kiếm. Hãy tìm cách cân bằng mọi thứ, đừng lo sẽ bỏ lỡ các cơ hội, điều bạn nhận về còn tuyệt vời hơn cả những điều bạn mong muốn.